Làm xét nghiệm máu có phát hiện được vi khuẩn Hp không?

Hỏi: Chào các chuyên gia của chuyenkhoadaday.com, thời gian gần đây tôi có dấu hiệu đau bụng bất thường. Đi kiểm tra ở trung tâm y tế xã thì bác sĩ nghi có vi khuẩn Hp. Tôi muốn đi xét nghiệm lại để biết được chính xác mình có bị nhiễm vi khuẩn Hp hay không? Vậy xin hỏi bác sĩ, đi xét nghiệm máu có thể phát hiện được vi khuẩn Hp không và đi xét nghiệm thì cần lưu ý những vấn đề gì ạ. Tôi xin cảm ơn. 

(Hoàng Hương, Nghệ An)

Giải đáp: Chào bạn Hương, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Vi khuẩn Hp là loại vi khuẩn khá phổ biến trong dạ dày của chúng ta. Chúng tồn tại và phát triển trong dạ dày, khi có tác động của một số yếu tố, nó sẽ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh. Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

1. Vi khuẩn Hp là gì?

Vi khuẩn Hp có tên đầy đủ là Helicobacter pylori, đây là một loại xoắn khuẩn trú ngụ trong dạ dày. Nó có xu hướng phát triển và tấn công lớp niêm mạc dạ dày gây nên các bệnh nguy  hiểm như đau dạ dày, viêm loét dạ dày, thậm chí là dẫn đến ung thư dạ dày.

Nếu như chỉ tồn tại trong dạ dày thì loại vi khuẩn này không gây ra bất cứ triệu chứng nào.Tuy nhiên, nếu nó tấn công và gây ra các bệnh liên quan đến dạ dày thì người bệnh sẽ bị các triệu chứng như đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ợ nóng, ợ chua… gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Vi khuẩn Hp có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác bằng đường nước bọt, sử dụng chung các đồ dùng với người bệnh… Do đó, cần phải giữ thói quen vệ sinh sạch sẽ, không dùng chung vật dụng với người bị nhiễm vi khuẩn Hp, tránh tình trạng bị lây.

Vi khuẩn Hp tồn tại trong dạ dày
Vi khuẩn Hp tồn tại trong dạ dày

2. Xét nghiệm máu có phát hiện được vi khuẩn Hp không?

Vi khuẩn Hp dạ dày là bệnh không phải hiếm, theo thống kê tại nước ta người có tỷ lệ nhiễm căn bệnh này lên đến  trên 70%. Vì vậy phát hiện và điều trị kịp thời loại vi khuẩn này là điều rất cần thiết, ngăn chặn chúng gây ra các bệnh nguy hiểm cho cơ thể.

Hiện nay có nhiều phương pháp xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng này. Có thể lựa chọn hình thức test xâm nhập hoặc test không xâm nhập.

  • Test xâm nhập là hình thức xét nghiệm sử dụng ống nội soi luồn sâu vào bên trong cơ thể để quan sát và đưa ra các chẩn đoán chính xác về bệnh tình của người bệnh. Đến nay, phương pháp này vẫn được xem là phương pháp thăm khám bệnh mang lại kết quả có độ chính xác cao nhất.
  • Các test không xâm nhập để phát hiện nhiễm vi khuẩn Hp bao gồm: Test hơi thở, test tìm kháng nguyên trong phân, xét nghiệm máu.

Do đó ta có thể thấy, xét nghiệm máu có thể tìm ra được kháng nguyên Hp tồn tại trong cơ thể người bệnh, từ đó biết được bệnh nhân có nhiễm vi khuẩn Hp hay không.

Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến ở các phòng khám tư. Nó là phương pháp xét nghiệm được nhiều người lựa chọn vì chúng không tốn kém chi phí như dùng phương pháp nội soi. Hơn nữa, xét nghiệm máu không gây ra những triệu chứng khó chịu như khi nội soi.

Mặc dù có thể sử dụng biện pháp xét nghiệm máu để phát hiện có vi khuẩn Hp hay không, tuy nhiên so với hai phương pháp khác trong nhóm test không xâm nhập thì nó ít có tác dụng và hiệu quả thường không được chính xác. Do nó ít có tác dụng trong việc xác định vi khuẩn có đang hoạt động, có khả năng gây bệnh hay không.

Không nên dùng phương pháp xét nghiệm máu để tìm vi khuẩn Hp
Không nên dùng phương pháp xét nghiệm máu để tìm vi khuẩn Hp

Chỉ  nên xem xét và sử dụng xét nghiệm vi khuẩn Hp bằng máu khi việc sử dụng các phương pháp khác có thể cho kết quả âm tính giả như trường hợp bệnh nhân đang bị loét dạ dày và chảy máu, người bị lympho dạ dày, những bệnh nhân đang điều trị giảm tiết acid. Hơn thế nữa sau khi điều trị, hoặc đã loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn Hp trong dạ dày nhưng khi xét nghiệm máu, nó vẫn cho kết quả âm tính với vi khuẩn Hp, bởi vì các kháng thể kháng vi khuẩn Hp vẫn có thể tồn tại trong máu khoảng 4  tháng hoặc lâu hơn sau đó.

Từ những điều trên chúng ta thấy có thể xét nghiệm máu để phát hiện vi khuẩn Hp nhưng chúng tôi không khuyến khích các bạn sử dụng phương pháp này vì chúng mang lại kết quả chẩn đoán có độ chính xác thấp. Bởi vậy, nếu có ý định đi khám hoặc tìm phương pháp điều trị bệnh do loại vi khuẩn này thì hãy chấp nhận tốn kém thêm ít chi phí để khám nội soi vì chúng cho kết quả chính xác, giúp bạn yên tâm hơn và có hướng điều trị tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc tìm được các cơ sở thăm khám uy tín cũng chính là một trong những yếu tố giúp bạn khi thăm khám mang lại kết quả cao. Chính vì vậy, bạn nên tìm đến các bệnh viện lớn, có đầy đủ trang thiết bị – kĩ thuật hiện đại để khám tránh tình trạng tiền mất, tật mang.

Lời kết:

Bởi vì bất cứ ai, ở lứa tuổi nào cũng có thể nhiễm loại vi khuẩn này, để tránh tình trạng nó hoạt động và gây ra các bệnh về đường tiêu hóa,  bạn cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ cho hợp lý. Nên tránh các loại thực phẩm gây hại cho dạ dày như đồ ăn cay nóng, đồ nhiều dầu mỡ, rượu, bia, các chất kích thích… Bạn cũng nên thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng cho bản thân mình.

Trên đây là những giải đáp của chúng tôi về câu hỏi của bạn, hi vọng sau bài viết bạn đã có thể định hướng được cho mình cách thăm khám mang lại hiệu quả tốt. Cảm ơn bạn đã theo dõi và chúc bạn mạnh khỏe!

Bài viết tham khảo

Cập nhật lúc 13:45 - 12/09/2021

Bình luận

  1. lê thị hoài phương Trả lời

    dạ ,em xin chào các bác sĩ .cho em hỏi
    em xét nghiệm hơi thở bị vi khuẩn hp và có đi xét nghiệm máu cho con trai em 9 tuổi cũng dương tính với hp .vậy em cho cháu đi làm các xét nghiệm khác không ạ .và trẻ em điều trị hp như thế nào .có mau khỏi không ạ .em mong câu trả lời của bác sĩ .em cảm ơn ạ

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.