Cách khắc phục chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ

Khắc phục chứng trào ngược dạ dày ở trẻ không quá khó, chỉ cần thay đổi tư thế ăn uống , ngủ nghỉ của trẻ hoặc làm vài động tác massage đơn giản sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa và hạn chế được chứng trào ngược dạ dày tức khắc.

Trào ngược dạ dày thực quản là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Không chỉ riêng người lớn mới cảm thấy “khó ở” với chứng bệnh này  mà việc bị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày cũng như là sự phát triển cả về thể lực lẫn trí lực của bé khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Vậy làm cách nào để khắc phục được tình trạng bệnh này ở trẻ?

1. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

♦ Biểu hiện trào ngược dạ dày ở trẻ

Bệnh trào ngược thực quản cũng là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là chứng bệnh xảy ra khi thức ăn vừa mới được đưa vào dạ dày cộng với các thành phần axit có trong đó bị trào ngược lên thực quản gây ra các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, buồn nôn… gây khó chịu cho người bệnh. Chính vì vậy mà nó thường bị nhầm lẫn với chứng nôn trớ sinh lý ở trẻ. Tuy nhiên ở hai chứng này có những điểm khác biệt.

  • Nôn trớ sinh lý thường xảy ra sau khi trẻ bú hoặc ăn no vì trẻ ăn hoặc bú nuốt nhiều hơi. Thêm vào đó, nôn trớ thường xảy ra với tần số ít và dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là sau khi nôn trẻ vẫn chơi và sinh hoạt bình thường.
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ
  • Khác với nôn trớ sinh lý, trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ có tần số xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn cao hơn. Do cơ thắt thực quản còn yếu không đủ lực cản nên thức ăn dễ dàng trào ngược sau khi ăn no và ngay cả khi trẻ thay đổi tư thế đột ngột cũng có thể bị nôn. Sau khi nôn, trẻ thường quấy khóc, uốn éo, khó chịu.

Trào ngược dạ dày thực quản gây ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt hàng ngày của bé, khiến bé chán ăn, mệt mỏi, hay quấy khóc. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây cản trở cho sự phát triển cả về thể lực và trí lực của bé.

♦ Nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày ở trẻ

Không khó để biết được nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ. Khi đã hiểu rõ được các nguyên nhân này thì việc tìm các biện pháp khắc phục cũng sẽ dễ dàng hơn.

  • Dạ dày của trẻ em chưa được phát triển toàn diện, do đó dễ bị trào ngược các chất có trong dạ dày.
  • Cũng giống dạ dày, lúc này hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển ổn định, dạ dày của bé nằm ngang so với dạ dày của người lớn. Hơn nữa, khi còn bé, cơ thắt thực quản đóng mở chưa đều dễ gây nên chứng trào ngược thức ăn.
  • Tư thế mà các bà mẹ cho bé bú chưa đúng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ

Các bà mẹ nên theo dõi sát sao tình trạng bệnh của con mình. Nếu thấy số lần xuất hiện triệu chứng nôn của bé nhiều, có dấu hiệu trào ngược axit, phân có dính máu, ho mãn tính, tăng trưởng kém ở trẻ… thì phải nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để khám và điều trị kịp thời tránh các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Nếu bị trào ngược dạ dày thực quản nhưng bé vẫn khỏe mạnh thì vẫn chưa cần phải lo lắng, bạn có thể thực hiện những cách chữa trào ngược dạ dày thực quản cho bé ngay tại nhà mà chúng tôi chia sẻ ngay sau đây giúp bé mau lành.

2. Cách khắc phục chứng trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ

Chứng trào ngược dạ dày có khá nhiều cách để chữa trị tại nhà, để khắc phục bệnh này ở trẻ em, chúng tôi xin gợi ý một số biện pháp như sau:

  • Nên cho trẻ ăn uống (bú) vừa phải, tránh cho trẻ ăn quá no. Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, nên chia thành 3 bữa chính và khoảng 3 – 4 bữa ăn nhỏ trong thời gian ăn dặm giúp trẻ dễ tiêu hóa.
  • Điều chỉnh tư thế ngủ cho bé. Trẻ ngủ không đúng tư thế, ngủ không ngon giấc sẽ làm cho tình trạng bệnh ngày càng nặng.Tư thế ngủ tốt nhất cho bé là kê gối ngủ cao hơn khoảng 30 độ so với cơ thể, tư thế ngủ này giúp các thức ăn không bị trào ngược ra ngoài.
Điều chỉnh tư thế ngủ cho bé
Điều chỉnh tư thế ngủ cho bé
  • Không cho bé ăn ở tư thế nằm, sau khi ăn nên giữ bé ở tư thế thẳng đứng cho thức ăn dễ dàng đi xuống dạ dày, không bế sốc trẻ sau khi ăn no.
  • Cho trẻ bú đúng tư thế, hạn chế cho bé bú hơi nhiều vì dễ ngộp thở, ói, đặc biệt không cho bé bú khi đang khóc.
  • Khi cho bé bú bình, phải luôn đảm bảo rằng trong núm vú có sữa, hạn chế cho bé nằm nghiêng.

Ngoài những biện pháp trên, các bạn có thể tham khảo thêm một số biện pháp khác như:

  • Mua gối chống trào ngược dạ dày thực quản cho bé.Những cái gối này được thiết kế chuyên dụng nhằm cố định tư thế ngủ cho bé, giúp làm giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày.
Massage cho trẻ giúp giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản
Massage cho trẻ giúp giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản
  • Massage trị liệu cho bé cũng là một biện pháp hiệu quả. Bạn có thể áp dụng như sau: Cho bé nằm ở tư thế thoải mái, sau đó dùng một ít dầu oliu hoặc dầu dừa bôi vào vùng dạ dày rồi xoa bóp nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ 3 – 4 phút. Sau đó bạn massage phần lưng tầm 2 – 3 phút, cuối cùng là phần tay và chân từ 10 – 15 phút. Bạn hãy thực hiện từ 2 – 3 lần mỗi ngày cũng cho hiệu quả tốt. Lưu ý là không massage sau khi trẻ mới ăn no.

Trên đây là một số gợi ý về các cách khắc phục trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ. Các bà mẹ nên kiên trì áp dụng thường xuyên để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bài viết tham khảo

Cập nhật lúc 00:20 - 12/09/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.