Thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở thai nhi, trẻ sơ sinh và cơ hội cứu chữa

Thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở thai nhi là một trong những bệnh lý gây ra nhiều khó khăn trong chẩn đoán, có khả năng ảnh hưởng nặng đến hô hấp cũng như tác động ít nhiều đến các cơ quan tim, não, thận. Một số thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở thai nhi.

Thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở thai nhi, trẻ sơ sinh và cơ hội cứu chữa-1

Thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở thai nhi là gì?

❓ Thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở thai nhi là bệnh lí xảy ra do quá trình hình thành cơ hoành ở bào thai không được hoàn thiện. Khiếm khuyết trong quá trình này sẽ để lại khe hở trên cơ hoành của trẻ. Điều này dẫn đến hệ quả  lồng ngực và ổ bụng không được ngăn cách hoàn toàn. Các tạng trong ổ bụng của bệnh nhân như dạ dày, ruột, lách, gan có thể đi lên lồng ngực qua khe hở của cơ hoành. Tình trạng thoát vị hoành chủ yếu gặp ở bên trái, ít gặp ở bên phải. Hiếm có bệnh nhân bị thoát vị hoành ở cả 2 bên.

Những hậu quả của thoát vị hoành bẩm sinh ở trẻ em

Sự di chuyển của các tạng trong cơ thể qua vị trí khe hở sẽ choán chỗ của các bộ phận khác trong quá trình hình thành của chúng. Đặc biệt là ảnh hưởng đến quá trình hình thành phổi, từ đó gây ra thiểu sản phổi ở 1 hoặc cả 2 bên phổi. Các cấu trúc phế nang, phế quản, mạnh máu trong phổi cũng có những dị tật nhất định và khiến chức năng của phổi bị ảnh hưởng nặng, gây thiếu oxy, tăng CO2. Áp lực động mạch phổi cũng tăng và kéo dài.

Một số trường hợp không chỉ gây ra dị tật phổi mà còn ảnh hưởng đến tim, não, thận,… do mất cân bằng lượng CO2 và O2 trong cơ thể bệnh nhân. Những tình trạng này có thể ảnh hưởng lớn đến tính mạng người bệnh.

Thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở thai nhi, trẻ sơ sinh và cơ hội cứu chữa-2

Nhận biết và phát hiện thoát vị hoành sau sinh

Thoát vị hoành sau sinh là tình trạng có thể nhận biết được bằng cách nghe tim phổi bởi tim thường bị đẩy sang phải ở người có thoát vị hoành. Ngoài ra, khi bác sĩ nghe phổi sẽ phát hiện thấy tiếng khí đi vào phổi trái kém hơn so với phổi phải do phổi trái thường bị thiểu sản, chèn ép. Quan sát thấy bụng của trẻ thường lép vì có một số tạng trong ổ bụng của trẻ bị chạy ngược lên lồng ngực. Trẻ cũng có dấu hiệu khó thở, hay bị viêm phổi. Chụp X – Quang có thể giúp phát hiện được tình trạng thoát vị hoành.

Điều trị thoát vị hoành ra sao?

  • Khi phát hiện thoát vị hoành sau sinh cần chuyển bé đến ngay các bệnh viện có khả năng hồi sức sơ sinh tốt để thực hiện hồi sức trước khi mổ.
  • Đặt nội khí quản, ống thông dẫn lưu dạ dày liên tục cho trẻ để giảm chèn ép phổi, hô hấp không bị tắc nghẽn.
  • Phẫu thuật giải phóng chèn ép phổi, khâu phục hồi cơ hoành.
  • Sau phẫu thuật vẫn có khả năng gặp phải một số vấn đề như bệnh phổi mạn tính, ảnh hưởng các chức năng của phổi cũng như các vấn đề về hô hấp khác. Trẻ cũng có thể chậm tăng cân, ăn uống khó, gặp các vấn đề tiêu hóa, kém phát triển thể chất,…

Hiện nay tỉ lệ tử vong do thoát vị hoành đã được kéo giảm nhưng vẫn chiếm từ 20 – 50%. Khả năng can thiệp và tiên lượng chịu sự phụ thuộc nhiều bởi mức độ nặng của bệnh, đặc biệt là mức độ nặng của thiểu sản phổi. Ngay cả sau điều trị vẫn cần theo dõi sát sao tình trạng bệnh để có những can thiệp và xử lí phù hợp, kịp thời nhất.

Cập nhật lúc 00:17 - 12/09/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.