Một số biến chứng có thể gặp sau nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong việc khám và điều trị bệnh. Ngoài những ưu điểm mà nó mang lại như không mất nhiều thời gian, cho kết quả chẩn đoán bệnh có độ chính xác rất cao thì nó cũng có những hạn chế và có thể gây ra các biến chứng cho người bệnh. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn các biến chứng mà nội soi dạ dày có thể gây ra ngay sau đây.

Nội soi dạ dày có thể gây ra các biến chứng nào?

Nội soi dạ dày là một trong những kỹ thuật y học hiện đại được áp dụng ngày càng phổ biến trong khám và chữa bệnh. Bằng những công cụ chuyên biệt, các bác sĩ có thể quan sát trực tiếp các cơ quan bên trong cơ thể từ đó có thể đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất bệnh của người bệnh. Ngoài ra, nó còn tiết kiệm được nhiều thời gian cho bệnh nhân, chỉ cần tốn khoảng 15 – 20 phút là đã xong một ca nội soi. Chính vì vậy, phương pháp này được nhiều người lựa chọn trong việc thăm khám và điều trị.

Những biến chứng có thể gặp khi nội soi dạ dày
Những biến chứng có thể gặp khi nội soi dạ dày

Tuy nhiên, nội soi dạ dày cũng tồn tại những hạn chế nhất định và có thể gây ra không mong muốn cho bệnh nhân, Cụ thể:

+ Nếu nội soi dạ dày bằng đường miệng, người bệnh có thể bị đau miệng, buồn nôn, đau họng. Nội soi bằng đường mũi tuy có an toàn hơn nhưng tình trạng đau mũi, chảy máu mũi có thể xảy ra.

+ Có thể bị rách thực quản, dạ dày, tá tràng. Do khi nội soi, các bác sĩ sẽ cho ống nội soi đi từ mũi hoặc miệng người bệnh, xuống thực quản và đến dạ dày, nếu không cẩn thận nó có thể cọ xát với niêm mạc thực quản, niêm mạc dạ dày làm rách và chảy máu gây đau đớn cho người bệnh.

+ Người bệnh có thể bị đau vùng ngực hoặc bị trào ngược dạ dày sau khi thực hiện nội soi dạ dày.

+ Có thể gây ra nhiễm trùng, gây nghẽn, chít hẹp dạ dày hoặc bị shock phản vệ sau khi nội soi.

+ Cảm giác chán ăn, khó nuốt, sụt cân nhẹ có thể xảy ra.

+ Đối với các trường hợp sử dụng phương pháp nội soi dạ dày có gây mê, tình trạng tụt huyết áp, khó thở, rối loạn nhịp tim có thể xảy ra.

Mặc dù nội soi dạ dày có thể mang lại kết quả chẩn đoán bệnh chính xác và nhanh chóng nhưng chúng cũng có các hạn chế. Chính vì vậy, sau khi thực hiện xong ca nội soi người bệnh phải được theo dõi và báo ngay cho bác sĩ nếu thấy các biểu hiện bất thường.

Cần chuẩn bị gì trước khi tiến hành nội soi?

Để quá trình nội soi được diễn ra thuận lợi và cũng là hạn chế đến mức tối đa các biến chứng không mong muốn xảy ra khi nội soi, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như sau:

+ Nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín, đảm bảo chất lượng để tiến hành khám bệnh dạ dày bằng phương pháp nội soi.

+ Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất là 6 tiếng trước khi nội soi dạ dày.

+ Trước khi nội soi không được uống các loại nước có gas, có cồn và đặc biệt là các loại nước có màu. Chúng sẽ làm cản trở việc quan sát của bác sĩ khi tiến hành nội soi. Chỉ nên uống nước lọc trước khi nội soi, nhưng cũng không nên uống nhiều vì có thể gây trào ngược dạ dày.

Không nên uống các loại nước có màu trước khi nội soi dạ dày
Không nên uống các loại nước có màu trước khi nội soi dạ dày

+ Nếu đang trong quá trình điều trị bằng thuốc cần báo ngay với bác sĩ.

+ Phải báo với bác sĩ ngay nếu bạn dị ứng với bất cứ chất gì được sử dụng trong quá trình nội soi như thuốc gây mê, cao su, băng dính…

+ Nên có người thân đi cùng khi nội soi. Với những người chọn phương pháp nội soi có gây mê, sau khi tiến hành  nội soi người nhà cần theo dõi sát sao bệnh nhân và kịp thời báo với bác sĩ nếu thấy triệu chứng bất thường.

+ Không nên tự lái xe về sau khi nội soi, đặc biệt là nội soi có gây mê.

Ngoài ra, sau khi về nhà, người bệnh chỉ nên ăn sau khi nội soi từ 1 – 2 giờ. Các loại thức ăn người bệnh nên sử dụng là cháo, súp, món ăn được hấp, ninh nhừ.

Những ai không nên nội soi dạ dày?

Đây là một trong những phương pháp nên lựa chọn khi bạn có ý định thăm khám các bệnh về dạ dày. Tuy nhiên, bạn không được khám nội soi nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

+ Người đang bị thủng dạ dày hoặc bỏng acid do uống nhầm không nên đi khám dạ dày bằng phương pháp nội soi.

+ Không nên nội soi dạ dày khi bạn mắc chứng phình động mạch chủ, bị túi thừa Zenker.

+ Người thiếu máu cơ tim cấp, bị suy hô hấp cũng là những đối tượng tránh thăm khám nội soi.

+ Các trường hợp đang điều trị bệnh bằng những loại thuốc có thành phần cản quang, các loại thuốc bọc niêm mạc dạ dày cũng không nên nội soi dạ dày.

+ Những người vừa mới ăn uống hoặc uống các loại thuốc có màu tất nhiên là cũng không nên nội soi bởi chúng gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh của bác sĩ, có thể chẩn đoán sai bệnh.

Trên đây là những biến chứng và các lưu ý cho các bạn khi đi nội soi dạ dày. Mặc dù tình trạng nội soi dạ dày gây biến chứng rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra, vì vậy bạn nên cân nhắc và chuẩn bị kĩ tinh thần trước khi tiến hành. Chúc bạn luôn khỏe!

Bài viết tham khảo

Cập nhật lúc 14:25 - 12/09/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.