Bà bầu nhiễm vi khuẩn Hp có ảnh hưởng tới thai nhi?

Hỏi: Xin chào các chuyên gia của Chuyên khoa dạ dày. Năm nay em 27 tuổi và đang mang bầu ở tuần thứ 8. Dạo gần đây em thường hay bị ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, đau rát thượng vị, đến bệnh viện kiểm tra thì bác sĩ chẩn đoán em bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp gây ra. Em đang lo lắng và tự hỏi không biết chứng bệnh do vi khuẩn này gây ra có làm ảnh hưởng gì tới thai nhi hay không? Vậy mong các chuyên gia giải đáp giúp em ạ. Em xin cảm ơn!

(Trần Yến, Bình Định)

Trả lời: Chào bạn Yến, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chuyên gia của Chuyên khoa dạ dày. Như chúng ta đã biết, vi khuẩn Hp là một trong số những nguyên nhân phổ biến gây nên các bệnh về đường tiêu hóa trong cơ thể người. Tỉ lệ nhiễm vi khuẩn Hp đạt hơn 50% trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, người bị nhiễm chiếm tỉ lệ cao hơn, khoảng 70% dân số nước ta. Do đó, tỉ lệ mắc bệnh do vi khuẩn này gây ra không phải là hiếm. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là “Khi đang mang bầu mà bị nhiễm vi khuẩn Hp thì có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không?”. Để trả lời được chính xác câu hỏi này, hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu ngay sau đây.

1. Vi khuẩn Hp là gì?

Để giải quyết được câu hỏi “bị nhiễm vi khuẩn Hp có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không”  thì trước tiên chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ về loại vi khuẩn này.

Vi khuẩn Hp có tên đầy đủ là Helicobacter pylori là một loại xoắn khuẩn tồn tại và phát triển trong đường tiêu hóa, sự tồn tại của chúng làm tổn thương lớp lót niêm mạc dạ dày gây nên các bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày.

Vi khuẩn Hp trong dạ dày
Vi khuẩn Hp trong dạ dày

Có thể nói rằng đây là loại vi khuẩn duy nhất tồn tại được trong môi trường dung dịch acid đậm đặc trong dạ dày. Hp là loại vi khuẩn kị khí chỉ có thể tồn tại được trong môi trường thiếu oxy và dạ dày là một nơi lí tưởng. Hơn nữa, chúng có thể tồn tại được trong môi trường đậm đặc acid chính là nhờ men Urease có trong cơ thể cộng với lớp lông roi xung quanh giúp chúng tránh được những tác động lâu dài của acid trong dạ dày.

Khi bị nhiễm vi khuẩn nhưng chưa gây bệnh, người bị nhiễm vẫn sẽ đang cảm thấy bình thường. Sau một thời gian loại vi khuẩn này tấn công lớp niêm mạc dày gây nên viêm loét thì các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, buồn nôn hoặc nôn, đau rát vùng thượng vị, thậm chí có thể nôn ra máu sẽ xuất hiện, làm cho người bệnh đau đớn và khó chịu.

Ngoài vi khuẩn HP, đau dạ dày còn do các nguyên nhân khác như ăn đồ cay nóng quá nhiều, tình trạng căng thẳng mệt mỏi kéo dài… Tuy nhiên đau dạ dày do nhiễm vi khuẩn Hp chiếm phần lớn các trường hợp mắc bệnh.

2. Bà bầu bị nhiễm vi khuẩn Hp có ảnh hưởng tới thai nhi không?

Không phải người bệnh nào bị đau dạ dày cũng do vi khuẩn Hp gây ra, nhưng các trường hợp bị bệnh do nhiễm vi khuẩn Hp mới có khả năng lây nhiễm cho người khác. Các con đường lây nhiễm thường là qua đường miệng – miệng, phân – miệng, dạ dày – dạ dày.

Trong khoang miệng và tuyến nước bọt của người bị bệnh chứa một lượng lớn vi khuẩn, khi tiếp xúc với nước bọt của người đó như hôn trực tiếp, ăn chung bát đũa, sử dụng chung các vật dụng cá nhân… sẽ dễ bị lây nhiễm. Bên cạnh đó, thói quen vệ sinh không sạch, có ruồi muỗi, gián đậu vào thức ăn cũng là nguyên nhân gây nhiễm bệnh.

Vi khuẩn Hp không gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi
Vi khuẩn Hp không gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi

Với thai nhi trong bụng mẹ, vi khuẩn Hp không gây ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên ảnh hưởng gián tiếp của nó thông qua người mẹ cũng là vấn đề đáng lo ngại. Khi bị nhiễm vi khuẩn Hp, người mẹ có thể bị viêm loét dạ dày làm cho các quá trình tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng khiến chán ăn, thường xuyên bỏ bữa. Tình trạng này kéo dài làm cho bà bầu không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cả bản thân và thai nhi, làm chậm quá trình phát triển của bé nguy hiểm hơn có thể dẫn đến sảy thai.

Ngoài ra, bị viêm loét dạ dày sẽ làm cho bà bầu bị đau đớn, khó chịu, stress, đây cũng là những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến em bé. Trong trường hợp bị nhiễm vi khuẩn Hp trong giai đoạn mang thai, các bác sĩ sẽ hoãn việc điều trị cho đến khi sinh em bé xong để không gây nguy hiểm cho thai nhi.

3. Bị nhiễm vi khuẩn Hp trong giai đoạn mang thai cần phải xử lý như thế nào?

Vì trong giai đoạn mang thai, việc sử dụng thuốc Tây để điều trị là không thể nếu như muốn bảo vệ cho bé. Trong trường hợp này, để làm giảm các triệu chứng của bệnh đau dạ dày, các bà bầu cần lưu ý một số điều như sau:

  • Cần phải giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh căng thẳng mệt mỏi kéo dài, tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng để giữ tinh thần luôn khỏe khoắn.
NÊn vận động và tập các động tác thể dục nhẹ nhàng giúp tinh thần khỏe khoắn
Nên vận động và tập các động tác thể dục nhẹ nhàng giúp tinh thần khỏe khoắn
  • Không để bụng đói. Ăn đúng giờ và cũng không nên ăn quá no.
  • Nên chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ để tránh bị ợ chua, khó chịu, trào ngược.
  • Hạn chế các thức ăn chua, đồ cay nóng, các đồ uống có cồn, các chất kích thích… Nên bổ sung các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, làm giảm khả năng tiết dịch vị của dạ dày như cá, trứng, sữa, các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, bắp cải. Các thức ăn cần phải được ninh, hấp. luộc kỹ. Hạn chế sử dụng các thực phẩm cứng, khó tiêu hóa.
  • Ngủ sớm và đúng giờ để dạ dày được nghỉ ngơi, tránh có cảm giác khó chịu.
  • Bổ sung nhiều nước lọc, rau xanh để trung hòa dịch vị, giảm đau dạ dày.
  • Các bà bầu cũng có thể thử áp dụng các bài thuốc dân gian chữa đau dạ dày tương đối an toàn mà hiệu quả như dùng chè dây, dùng nghệ và mật ong…

Trên đây là một số thông tin giúp giải đáp thắc mắc của bạn và cũng là để cung cấp các kiến thức cơ bản cho các bà bầu. Hi vọng bạn sẽ phần nào giảm bớt lo lắng về tình trạng của mình. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

Có thể bạn muốn xem

Cập nhật lúc 00:20 - 12/09/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.